CÁC BÍ TÍCH HOẠ ĐỒ KIẾN TRÚC ĐỜI SỐNG Nhiều người trước sau vẫn sử dụng các kiểu nói Ki-tô giáo, nhưng chẳng còn hiểu gì về nội dung chúng, chứ đứng nói là sống theo những lời đó. Hãy nhìn vào bảy bí tích. Ngài có lần nói, trong các bí tích đó chứa đựng hoạ đồ kiến trúc cho cả cuộc sống. Và Johann Wolfgang von Goethe*, lớn lên trong giáo dục tin lành, quả quyết rằng, bí tích của Giáo Hội công giáo không những là cái “cao cả nhất của tôn giáo”, mà còn là “biểu tượng khả giác của lòng tốt và hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa”. Trước khi đi vào từng bí tích, tôi tự hỏi: Không hiểu những bí tích đó có ích gì? Bí tích thêm sức, chẳng hạn, đâu có giữ cho thanh thiếu niên khỏi rơi vào nghiện ngập. Hay bí tích hôn nhân đâu phải là bảo chứng cho vợ chồng không ngoại tình, không dối nhau, không bỏ nhau sau một năm sống chung. Tôi tin rằng bảy phép bí tích thật sự đóng ấn cho cấu trúc và những chặng đường lớn của đời người. Người ta cần cho những thời điểm quan trọng - như sinh ra và chết, trưởng thành và kết hôn – một dấu chỉ nào đó, qua đó chúng nhận được tầm quan trọng, niềm hứa hẹn cho tương lai và như vậy cả sự nâng đỡ. Nếu chỉ nhìn bí tích dưới khía cạnh hiệu năng và coi chúng như phương tiện giúp con người có được thần lực để hoán cải mình, thì ta sẽ thất vọng. Vấn đề ở đây không phải vậy. Đức tin không phải một thứ gì lơ lửng trong không khí.Nó nhập vào thế giới vật chất. Các dấu chỉ của thế giới vật chất lại giúp ta đụng chạm được với Thiên Chúa. Như vậy, các dấu chỉ là sự biểu lộ tính thể lí của đức tin. Việc thấm nhập giác quan và trí tuệ là sự tiếp nối biến cố Thiên Chúa đã trở thành xương thịt và đã đã tỏ mình ra cho ta qua những dấu chỉ trần thế. Bí tích, vì thế, là một cách chạm vào chính Thiên Chúa. Nó cho thấy Thiên Chúa không phải là chuyện thuần tinh thần, nhưng Ngài có cộng đoàn và thiết lập cộng đoàn; và Ngài kéo theo cả trái đất và tạo vật vào Ngài, và như vậy, tạo vật cùng các thành tố của chúng cũng trở nên siêu việt. Cơ bản ở đây là, qua các bí tích, tính cộng đoàn và tính thể lí của đức tin được thể hiện; và chúng còn cho thấy rằng đức tin không phải do ta mà có, nhưng nó đến từ một sự uỷ quyền cao hơn. Các bí tích, cũng như toàn bộ hành động của Chúa, tất cả dĩ nhiên đều được tín thác vào tự do của ta. Và bí tích – cũng giống i như Tin Mừng – không tác động trong ta một cách máy móc, chúng chỉ tác động khi được ta chấp nhận và cùng bước đi với chúng.
|